Người sưu tập đồ chơi âm thanh có thể được xem như một kiểu thợ săn kỳ lạ, thích hướng “thú đau thương”, thích lao đầu theo những con mồi đắt giá – theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, tuy nhiên khi đã bắt được, họ nhanh chóng tâm tư về một “con mồi” khác. Từ một thú chơi đơn giản và vừa túi tiền, sở thích này có thể nhanh chóng thành cơn nghiện, nó mang cho người ta sự bứt rứt, bí bách, thôi thúc bản thân phải luôn tìm kiếm những gì đó lạ hơn, khác hơn. Và trong khi người chơi công nghệ thường đuổi theo những gì mới nhất, dân audiophile lại chú tâm hơn vào tìm kiếm những gì mà họ cho là “có chất” hơn. Nhiều dòng sản phẩm nổi tiếng hiện đã không còn được sản xuất nữa, và việc có thể chiêm ngưỡng hay hơn nữa là sở hữu chúng sẽ khiến bất cứ người sưu tập nào phải làm mọi cách để đạt được.

 

Trần Phú Lâm hiện tại anh đang kinh doanh về đồ âm thanh cổ, amply, loa đài, máy hát cổ ngày xưa, với sở thích du lịch và chụp ảnh trẻ em, cuộc sống vùng cao,
chơi và giao lưu hội âm thanh cổ. Thú chơi âm thanh cổ đến với anh Lâm từ lúc trẻ. Càng nghe càng đam mê. Với anh thì âm thanh cổ đã ngấm vào máu, giống như cơm ăn, áo mặc hàng ngày. Xuất phát từ tình yêu với âm nhạc, mà yêu thôi thì chưa đủ. Ấy là niềm đam mê, là cái gì đó cháy bỏng trong anh để rồi thôi thúc anh tìm tòi nghiên cứu mọi cách để “thỏa mãn” cái tai của mình. Đó là khi thiết bị âm thanh bị quên lãng, gần như thay vào đó là ban nhạc sống đang chơi ngay trong phòng. Đó là khi ta có cảm giác nhạc sĩ và người biểu diễn vượt qua không gian và thời gian để đến biểu diễn ngay trước mặt bạn. Đó là niềm xúc cảm khó tả và cuồn cuộn dâng trào, đó là khi thế giới vật chất biến mất, chỉ còn lại duy nhất âm nhạc.

Anh chia sẻ; Với người chơi âm thanh, một trong những điều quan trọng là phải hiểu rõ các thiết bị đang chơi, khai thác triệt để các ưu điểm cũng như tính năng của chúng, đòi hỏi ở họ nhiệt huyết cùng niềm đam mê cháy bỏng mới có thể dày công tìm kiếm rồi phục chế nó, để nó vang lên những giai điệu mộc mạc nhưng vô cùng sâu lắng, đúng “chất analog”. Và điều đầu tiên phải kể đến chính là cái “duyên” với mỗi thiết bị ấy. Các thiết bị âm thanh của anh khá giản dị, nhưng lại là kết quả của quá trình dày công sưu tầm. Một đôi loa nguyên gốc chỉ có hai đường tiếng nhưng anh đã nâng cấp thành ba đường tiếng. Không chỉ vậy, anh còn tham khảo ý kiến bạn bè để đưa vào trong các củ loa, các driver của bộ băng tần những vật liệu rất tốt, nổi bật là cặp loa huyền thoại nhất của JB.

Anh Lâm đã có thêm nhiều người bạn trong hội chung niềm đam mê, thường xuyên tụ tập, giao lưu trao đổi về các món “hàng” họ yêu, chia sẻ hiểu biết của mình, khoe những sản phẩm họ mới “lùng” được, trò chuyện về âm nhạc,… và trao nhau ngọn lửa nuôi dưỡng niềm đam mê của mình. Không phô trương ồn ào, anh em đến với nhau bởi cái tình, bởi niềm đam mê chung với âm nhạc, với những thiết bị âm thanh có tuổi đời thậm chí hơn cả họ. Cái duyên đưa đẩy mỗi người đến với những thứ đồ cổ này một khác, và mỗi người họ lại có cách riêng để “phiêu” cùng chúng. Thế nhưng mỗi khi có dịp ngồi bên nhau, mọi sự khác biệt đó dường như tan biến hết. Chỉ còn lại âm nhạc và tiếng nói chung của niềm đam mê dành cho những chiếc loa cổ, những chiếc “ampli đèn” từ thế kỷ trước. Trong tiết thu Hà Nội man mác, sẽ là vô cùng tuyệt vời khi được nhâm nhi tách cafe và thưởng thức âm thanh “Analog”, thứ âm thanh mộc mạc nhưng lại vô cùng chân thật, dễ nghe mà rất truyền cảm. Đặc biệt, với người yêu nhạc Trịnh và giọng hát Khánh Ly thì sẽ càng mê âm thanh từ băng cối và của đĩa than. Những cái tên đình đám của đầu băng cối như Ampec, Piooneer, Revoc, Tesla,….luôn đứng đầu danh sách tìm kiếm của các tay chơi âm thanh Hà Thành. Tuy lắm kỳ công và đắt đỏ, nhưng khi đã trót yêu thì các nhà sưu tập đều trọn tâm huyết dành cho thú chơi xa xỉ này.

 

Ngoài tình yêu với âm nhạc cổ anh còn thích du lịch và chụp ảnh các em nhỏ vùng cao. Ai cũng thừa nhận rằng, trong những chuyến đi về miền Đông Bắc, người ta chẳng thể nào quên được những đứa trẻ vùng cao Hà Giang với đôi mắt đen láy, đôi má ửng hồng, cùng nụ cười giòn tan thơ đi trong không gian rộng lớn. Gương mặt hồn nhiên đến ngơ ngác, cái vẻ nhem nhuốc nhưng rất đỗi đáng yêu, sự mộc mạc, bình dị ấy sẽ thu hút bất cứ ai từ cái nhìn đầu tiên. Khoảng thời gian rất rất dài lang thang các tỉnh vùng cao Đông Tây Bắc, khám phá các địa danh nổi tiếng và những nơi yên bình ít được biết đến, các cung đường đèo đẹp ngỡ ngàng, những bản làng ẩn mình bên những triền đồi thơ mộng. Vùng cao đối với anh là một vùng đất hoàn toàn mới, nhưng lại mang một vẻ đẹp mà thật sự hồi còn bé chỉ được biết đến trong văn thơ… thật khó để diễn tả được vẻ đẹp của thiên nhiên, phong cảnh nơi này, vẻ đẹp của đồng bào nơi đây và cuộc sống lao động hàng ngày của họ. Ở Hà Giang, trẻ em hầu hết là người dân tộc Mông, Thái, Lô Lô, La Chí… Các em lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, điều kiện tự nhiên hiểm trở. Nhưng với những bàn chân nhỏ xíu này, việc băng qua những quả đồi để đi học, đi chơi, giúp mẹ lên nương… chẳng có gì là ghê gớm cả. Nếu có cơ hội ghé thăm nơi đây, hãy dành một chút thời gian để trò chuyện, ngắm nhìn các em bé mộc mạc, giản dị nhưng vô cùng đáng yêu.

 

Previous post Võ Trường Ngân – Anh Giám Đốc Ngân Hàng Nghìn Tỷ – Thích Chạy Bộ Và Thích Xăm Hình
Next post Founder 8X mạnh dạn từ bỏ vùng an toàn để khởi nghiệp theo ước mơ