Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, song nền kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá phát triển khá vượt trội trong khu vực, trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,8%, được coi là điểm sáng trong bức tranh FDI 7 tháng qua.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam, riêng lĩnh vực kinh doanh bất động sản có tổng vốn đăng ký đạt 1,16 tỷ USD. Trong đó, bất động sản khu công nghiệp tiếp tục là “đứa con cưng” của ngành này bởi việc nguồn cung hạn chế tại các phân khúc như nhà ở thương mại, văn phòng, bán lẻ… khiến bất động sản công nghiệp được săn đón bởi các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhu cầu sử dụng bất động sản khu công nghiệp tăng cao, kéo theo kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp trong ngành này cũng tốt hơn.
Đơn cử như Tổng Công ty Cổ phần phát triển khu Công nghiệp (Sonadezi – mã chứng khoán SNZ), trong nửa đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 2.492 tỷ đồng, tăng 10,1% so với nửa đầu năm ngoái và thực hiện được trên 52% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng ở mức 599 tỷ đồng, kết quả này giúp Sonadezi hoàn thành trên 59% chỉ tiêu lợi nhuận.
Với Tổng Công ty Viglacera (Mã VGC), mảng bất động sản khu công nghiệp tiếp tục kinh doanh hiệu quả đã thúc đẩy sự tăng trưởng lợi nhuận của công ty. Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lãi trước thuế của Viglacera lần lượt đạt 5.295 tỷ đồng và 786 tỷ đồng, riêng doanh thu từ mảng cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng là 1.639 tỷ đồng.
Năm 2021 Viglacera đặt mục tiêu đạt 12.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng trưởng 27% so với thực hiện 2020, kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.000 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành 44% kế hoạch doanh thu và 78,6% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Về phần mình, dù chưa công bố BCTC bán niên, song nhiều khả năng Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc-CTCP (mã KBC) cũng thu được kết quả tích cực. Ngày 28/7 vừa qua, Chủ tịch KBC Đặng Thành Tâm cho biết công ty không kịp giao đất cho nhà đầu tư.
“Năm nay, lợi nhuận Kinh Bắc so với cùng kỳ tăng gấp mấy lần “, ông Đặng Thành Tâm khẳng định.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ năm 2021, Kinh Bắc tự tin đặt kế hoạch vượt bậc với doanh thu hợp nhất 6.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.000 tỷ đồng, lần lượt gấp 3 lần và 6,25 lần thực hiện năm 2020. Công ty cho biết sẽ tăng tốc đầu tư hạ tầng các dự án KCN Quang Châu, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Tân Phú Trung, KCN Tràng Duệ 3, KĐT mới Phúc Ninh, KĐT Tràng Duệ, KĐT Tràng Cát.
Nhóm các doanh nghiệp khác thuộc ngành bất động sản khu công nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng cao trong cùng thời gian trên còn có Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã CK: GVR) với khoản lãi ròng 2.376 tỷ đồng, tăng hơn 1.535 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Giải trình về kết quả kinh doanh này, GVR cho biết nguyên nhân chủ yếu là do công ty đã chủ động ứng phó phù hợp với trạng thái bình thường mới, giá bán các sản phẩm mủ cao su tăng cùng doanh thu cho thuê hạ tầng khu công nghiệp tăng, từ đó giúp kết quả kinh doanh của công ty được cải thiện.
Hay như Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Mã chứng khoán BCM) trong nửa đầu năm ghi nhận doanh thu 3.036,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 973,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và tăng 49,6% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó hoàn thành được 42,3% kế hoạch lợi nhuận năm.
Không thể không kể đến ông lớn CTCP Sonadezi Châu Đức (mã chứng khoán: SZC) với doanh thu thu đạt 402,7 tỷ đồng cùng lợi nhuận sau thuế đạt 189 tỷ đồng, lần lượt tăng 47,1% và 51% so với nửa đầu năm 2020.
Triển vọng tích cực
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành dự thảo Nghị định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP hiện hành. Dự thảo này đang được công bố lấy ý kiến và dự kiến sẽ trình Chính phủ thời gian sắp tới.
Đánh giá về diễn biến này, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng Nghị định mới sẽ cải thiện tính nhất quán trong quy định và thúc đẩy thu hút FDI của Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp niêm yết, theo VCSC, nghị định sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các chủ đầu tư khu công nghiệp.
Về phần mình, SSI cho rằng dự thảo Nghị định mới sẽ hợp lý hóa quy trình xin cấp phép khu công nghiệp mới và khu công nghiệp mở rộng. Ngoài ra, ưu đãi sẽ dành cho các khu công nghiệp sinh thái, dự án công nghệ cao, dự án công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những chủ đầu tư khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy thấp hơn 60%, như SZC (tỷ lệ lấp đầy khoảng 40%) sẽ có thể xin phép phát triển khu công nghiệp mở rộng bằng cách thu hút khách thuê trong các lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó các doanh nghiệp hiện tại có đất cho thuê như KBC, IDC, SZC, ITA, SIP vẫn có thể duy trì tỷ suất lợi nhuận cao hơn đối với hoạt động cho thuê đất.
Cùng quan điểm, VNDirect đánh giá thị trường này đang bước vào giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Trong đó, nhu cầu đất công nghiệp sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021 và 2022 bởi dòng vốn FDI và mở rộng sản xuất đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt sự tham gia của Foxconn, OPPO sẽ giúp thu hút nhiều nhà cung cấp/nhà thầu phụ cũng như mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Không chỉ các công ty chứng khoán mà nhiều chuyên gia cũng dự báo, 2021 là “năm bội thu” của những nhà phát triển bất động sản công nghiệp đã nắm trong tay quỹ đất lớn. Bởi so với mặt bằng chung của thế giới, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt; đồng thời còn được hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch đầu tư khỏi Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư như ưu đãi về thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong thời hạn 15 năm đối với các dự án đầu tư mới trong một số lĩnh vực đặc thù, khuyến khích phát triển như năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, phần mềm, lĩnh vực bảo vệ môi trường…
Có thể bạn quan tâm
Chị Nguyễn Thị Lý: Điểm Sáng Trong Lĩnh Vực Bất Động Sản – Cao Quý Trong Sứ Mệnh “Trồng Người”
Ngày 25 Tháng 3 Năm 2024 Chị Nguyễn Thị Lý là một người đầy đam mê và nhiệt huyết với...
Câu Chuyện Truyền Cảm Hứng của Lê Văn Trung: Khám Phá Đam Mê và Hiện Thực Hóa Ước Mơ
Anh Lê Văn Trung, một người đam mê công nghệ và đặc biệt là yêu thích điều gì mới mẻ...
“Minh Cảnh BĐS Tiền Giang: Dấu Ấn Uy Tín và Sứ Mệnh Vươn Xa Trên Mọi Nền Tảng”
Câu chuyện về doanh nhân trẻ, Văn Minh Cảnh là một câu chuyện về sự kiên trì, nỗ lực và...
“Chàng Kỹ Sư Xây Dựng Chuyển Hóa Thành Nhà Môi Giới Tử Tế, Tận Tâm, Chuyên Nghiệp.
"Tín Đại Thành cùng thương hiệu Thiêm MẶT PHỐ mà anh em trong Nghề Môi giới vẫn thường gọi", chàng...
“Dẫn Đường Đến Tài Sản Ước Mơ: BĐS Đình Hoàng – Chất Lượng Uy Tín Cho Ngôi Nhà Bạn”
Anh Võ Đình Hoàng là một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản tại Tiền Giang và các khu...
“Câu Chuyện Đam Mê và Sứ Mệnh: Golden Land – Sáng Tạo Giá Trị, Xây Dựng Cộng Đồng”
Ông Đặng Thành Lợi là một cái tên đầy triển vọng trong lĩnh vực kinh doanh tại thành phố Hồ...