Đầu năm 2021, thông tin huyện Cần Giờ được định hướng lên thành phố đã khiến giới BĐS đặc biệt quan tâm. Theo những thông tin ban đầu, Cần Giờ sẽ là nơi phát triển đô thị lớn, tập trung, hiện đại, đồng thời đảm bảo khu dự trữ sinh quyển không bị ảnh hưởng và sẽ phát triển thành thành phố du lịch và sinh thái. 

Cùng với đó, thông tin TP.HCM có phương án xây cầu nối huyện đảo này về khu trung tâm nội đô. Kế đến, việc một tập đoàn BĐS lớn nhất Việt Nam có thông tin chính thức trở thành chủ đầu tư dự án lấn biển ở huyện đảo này cũng tác động đến thị trường BĐS khiến nhà đầu tư đổ về đây mua đất.

Thời điểm cuối năm 2021, Bình Khánh được nhà đầu tư lướt sóng khá ưa chuộng. Đất nền mặt đường Rừng Sác – tuyến giao thông chính huyện Cần Giờ – hiện có giá 45-50 triệu đồng/m2, trong khi đất nền phía trong dao động 15-20 triệu đồng/m2. Cùng với Bình Khánh, đất nông nghiệp tại cụm xã An Thới Đông, Lý Nhơn đang được giao dịch nhiều, giá tăng nhanh theo tuần.

Trong khi giới đầu tư vẫn đang đổ xô lao vào vòng xoáy đất Cần Giờ, bất chấp đất nông nghiệp, nuôi trồng hải sản thì ông Lê Minh Dũng, Bí thư huyện Cần Giờ khẳng định trên Báo Phát Luật TPHCM: “Tôi xin thông tin rõ ràng một lần nữa, chỉ có 9,2% diện tích Cần Giờ nâng cấp lên thành thị, TP (trên nền các khu đô thị, đất ở có sẵn) và dứt khoát chỉ làm trong 9,2% đó. Việc thông tin huyện lên TP cần hết sức cẩn trọng, nếu không giá đất ở đây sẽ bị thổi lên khi đó thậm chí sẽ có người mua luôn đất nuôi trồng thủy sản”.

Theo ông Dũng, hiện Sở Nội vụ Thành phố đang trong quá trình trình đề án chuyển một số huyện thành quận (hoặc Thành phố thuộc TP.HCM) cho UBND Thành phố, đây là đề án xây dựng đến năm 2030. Hiện Thành phố cũng chưa có ý kiến gì về vấn đề này, do vậy người dân không nên hiểu nhầm là huyện sắp lên Thành phố ngay trong nay mai. Mặt khác, theo đề án huyện Cần Giờ khi lên TP không phải cả huyện đều bê tông hóa mà chỉ có 9,2% tổng diện tích huyện là nâng cấp thành đô thị.

Ông Dũng lý giải thêm, theo Quyết định 4766/2012 của UBND huyện, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện Cần Giờ thì đất ở với đất đô thị chỉ chiếm khoảng 9,2% tổng diện tích (trong đó đã có khu đô thị lấn biển). Trong quyết định này đã khoanh vùng phát triển khu đô thị ở đâu, chỗ nào phát triển sinh thái, sinh quyển, chỗ nào nuôi trồng thủy sản, chỗ nào rừng… rất rõ ràng.

“Phần diện tích còn lại của huyện Cần Giờ sẽ giữ nguyên gốc là rừng phòng hộ, là sinh quyển, là sông nước, là biển… Chính vì vậy, có thể hiểu là chỉ một phần nhỏ của Cần Giờ “biến chuyển” thành Thành phố, còn tất cả “hồn”, văn hóa, cảnh quan, lịch sử… nơi đây đều được giữ nguyên”, ông Dũng nhấn mạnh.

Được biết, trước đó các chuyên gia cũng cảnh báo việc ồ ạt gom đất Cần Giờ đón đầu quy hoạch là rất mạo hiểm bởi việc đầu tư đón đầu quy hoạch các dự án lớn và hạ tầng xung quanh như là con dao 2 lưỡi. Nếu thuận buồm xuôi gió, nhà đầu tư sẽ hốt bạc vì mua được đất giá rẻ rồi bán lại sẽ được giá cao, ngược những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính nếu mua phải đất nông nghiệp vào thời điểm này có những rủi ro cao vì dễ “dính” quy hoạch.

Previous post Đang có 1 tỷ thì đầu tư BĐS thế nào? Shark Hưng tuyên bố: Nuôi sống bản thân trước đã, mỗi tháng không làm ra thêm 100 triệu thì sẽ mắc kẹt!
Next post David vs Goliath ngành tẩy rửa: Cách một doanh nghiệp Việt nhỏ bé đấu lại 2 gã khổng lồ Unilever và P&G, thậm chí sống khoẻ, sống tốt