Theo nguồn tin từ DealStreetAsia, sàn thương mại điện tử Việt Nam – Tiki – kỳ vọng có thể kết thúc sớm vòng gọi vốn Series E sau khi nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư với số vốn dự kiến cao hơn kỳ vọng ban đầu.

Ghi nhận, vào tháng 7/2021 Tiki công bố đã huy động được 100 triệu USD cho vòng gọi vốn Series E. Tiếp nối động thái trước đó, hãng thương mại điện tử cũng vừa gọi thành công thêm 130 triệu USD trong vòng huy động vốn mà dẫn đầu là công ty quỹ tư nhân Northstar Group. Lúc bấy giờ, sàn cho biết vòng huy động vốn này dự kiến sẽ có thể thu về 150 triệu USD nếu có thêm các nhà đầu tư quan tâm.

Đến giữa tháng 8/2021, hãng Viễn thông Taiwan Mobile đầu tư 20 triệu USD vào Tiki, tương đương sở hữu 2,7% cổ phần của Tiki Global. Được biết, khoản đầu tư này có thể giúp Taiwan Mobile và công ty thương mại điện tử thuộc quyền sở hữu Momo.com có thể tìm kiếm những cơ hội tăng trưởng mới bên ngoài sân nhà. Hiện tại, Taiwan Mobile là nhà mạng lớn thứ hai Đài Loan.

Cũng theo DealStreetAsia, Tiki còn đang xúc tiến việc niêm yết tại nước ngoài. Hiện, Tiki Global và CTCP Ti Ki đã trình hồ sơ thông báo tập trung kinh tế lên Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng, trong đó Tiki Global dự kiến sẽ nhận chuyển nhượng 90,54% cổ phần của Tiki sau khi công ty này phát hành thêm cổ phiếu theo hình thức chào bán riêng lẻ tăng vốn từ 230 tỷ đồng lên 2.430 tỷ đồng.

Cần nhấn mạnh, việc thành lập pháp nhân Tiki Global tại Singapore được xem là bước đi mở đường cho hoạt động phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tiki tại nước ngoài để tiếp cận thêm nguồn vốn. Tiki đang có dự định sẽ thực hiện gọi vốn thông qua một công ty thâu tóm sáp nhập chuyên dụng (SPAC) tại Singapore.

Được biết, Tiki là nền tảng được ông Trần Ngọc Thái Sơn thành lập năm 2010 và được mệnh danh là “Amazon của Việt Nam” như một nền tảng bán sách ngoại ngữ online với nhà kho được đặt tại gara xe của gia đình và văn phòng ở ngay trong phòng ngủ của ông Sơn. Kể từ đó, TiKi đã thu hút được rất nhiều khoản đầu tư trong và ngoài nước.

Đầu tư mạnh vào hệ thống vận chuyển, khuyến mãi thu hút khách hàng, đặc biệt giữa cơ hội tăng trưởng mạnh giữa đại dịch, Tiki nhiều kỳ liền lọt Top 3 tại thị trường Việt Nam về lượng truy cập website. Kết thúc quý 2/2021, Tiki tiếp tục đứng vị thứ 3 với lượng truy cập website trung bình hơn 17 triệu lượt/tháng.

Dù tăng trưởng và nhận được nhiều khoản đầu tư nhưng TiKi vẫn còn thua lỗ lớn trong công cuộc chạy đua với Lazada, Shopee hay Sendo. Năm 2016 và 2017, Tiki lỗ lần lượt là 179 tỷ và 282 tỷ đồng. Sang năm 2018, con số thua lỗ lên đến 757 tỷ đồng – cao gấp gần 3 lần so với năm 2017.

Tiki kỳ vọng sẽ huy động nhiều vốn hơn cho vòng Series E trước khi chính thức niêm yết ở nước ngoài - Ảnh 1.

Previous post Liệu có đợt cắt lỗ, bán tháo đất nền?
Next post BSC: VN-Index hướng tới mức 1.550 điểm trong tháng 11, nhà đầu tư nên mở vị thế mới tại các nhịp giảm trong xu hướng tăng điểm chung