Nhà báo Binh Nguyên đến với nghề báo từ năm 1986, năm đất nước mới bắt đầu đổi mới, mở cửa. Lớp phóng viên trẻ chúng tôi khi đó ai cũng hăm hở dấn thân vào công việc trong khó khăn chồng chất mà không gợn một chút băn khoăn. Thời đó chúng tôi đi viết, tiền nhuận bút còn chưa có hoặc có không đáng kể chứ đừng nói công tác phí như bây giờ. Chủ yếu nhờ vào sự giúp đỡ của bạn bè, người quen tại những nơi mình đến. Tôi đi mà không hề suy nghĩ tính toán, ấy là bởi tôi có sự đam mê. Tôi nhận ra rằng mình sinh ra chính là để viết phóng sự, là để cho những chuyến đi lang bạt kỳ hồ. Tôi đã một mình tìm đến vùng đất nha phiến Tam giác vàng, lần theo con đường tìm ra Đà Lạt của Bác sĩ Yersin, ra vịnh Bái Tử Long đối mặt với bọn thổ phỉ than, lặn câu cá mập ở đảo Phú Qúy, lang thang trên những rẻo đường biên giới Đông Dương, đi Trung Quốc, Thái Lan, Nam Phi, Trân Châu Cảng. Khám phá đỉnh Phanxipăng, Liang Bian, Bạch Mã, Thất Sơn, Hymalaya… Vô vàn những kiến thức, những điều hay, mới lạ tôi đã thu được trong những chuyến đi như thế.

 


Nghề báo là một nghề vô cùng khắc nghiệt. Đến với nghề báo là phải xác định sẽ làm việc liên tục bảy ngày trong tuần, xa nhà thường xuyên. Có thể phải dấn thân vào những nơi nguy hiểm đến tính mạng. Có những chuyến đi phải đối mặt giữa sự sống và cái chết, không ít lần tôi phải run sợ trước tiếng gào thét của thác nước. Nhưng rồi mọi chuyện đã qua, tôi một lần nữa bằng lòng với chính bản thân mình. Nhưng trong làng báo vẫn còn hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”- điều này độc giả dễ dàng nhận thấy khi chứng kiến sự việc cụ thể. Đó là một số người làm báo không hiểu đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, mà tự cho mình cái “quyền” rất lớn. Thế nên khi vi phạm luật giao thông đã rút thẻ nhà báo ngỗ ngược đưa thẳng vào mặt cảnh sát và “ra oai” doạ dẫm…

 

Muốn có những phóng sự hay thì phải đi, đi và đi. Phóng sự không thể dạy ở giảng đường đại học mà phải bản thân mỗi người tự học ở trường đời, ở những chuyến đi trải nghiệm thực tế để quan sát, để cảm nhận. Chất phóng sự nằm ở những góc khuất của sự kiện. Khi quan sát, mỗi người sẽ có cảm nhận về sự kiện đó theo cách nhìn riêng, kiến thức riêng của mình. Chính vì vậy cùng một sự kiện nhưng tôi viết theo cách của tôi, người khác lại viết theo cách riêng hoàn toàn khác, có thể hay hơn hoặc không bằng. Bước đường vào nghề viết phóng sự của mỗi người mỗi khác, không có trong giáo trình, trong sách vở, không hề có một cẩm nang nào về phóng sự. Cho nên hãy đi và cảm nhận để có những phóng sự thật sự.

Mỗi nhà báo khi hành nghề bao giờ cũng đặt lương tâm và trách nhiệm lên hàng đầu. Một bài viết có thể khiến sự việc tốt hơn lên, nhưng nếu không trung thực, bài viết cũng có thể làm sự việc xấu đi. Và những người cầm bút đừng bao giờ để sự việc xấu đi. Công cụ của nhà báo là cây bút. Đó là cây bút đặc biệt. Cây bút khiến xã hội phải quan tâm, khiến cái tốt nảy nở, cái xấu bị thu hẹp lại. Nhưng quan trọng hơn là người cầm cây bút đó như thế nào?

Nhà báo Binh Nguyên (báo Sài Gòn Tiếp Thị) chia sẻ: Bây giờ nhìn lại thấy lớp phóng viên trẻ sao “hư” quá. Kinh tế thị trường đã biến họ thành những người thích hưởng thụ, đòi hỏi quá sớm. Họ không chịu bỏ thời gian, công sức đầu tư vốn sống từ cuộc sống thực tế. Không có nhiều những tay viết phóng sự chấp nhận dấn thân cho những tác phẩm báo chí thật sự. Rất nhiều phóng viên dù có thâm niên nhưng đạo đức nghề thì lại không có. Họ coi báo chí là phương tiện để kiếm tiền, để làm giàu. Động cơ đến với nghề báo của họ bây giờ khác xa chúng tôi ngày xưa.

Độc giả không chấp nhận những nhà báo tự cho mình có quyền muốn múa cây bút đó thế nào cũng được, bởi lúc đó họ sẽ đánh mất mình, đánh mất thiên chức cao cả của người cầm bút. Làm nghề báo cũng giống như mọi nghề trong xã hội, cần bắt đầu từ cái tâm và cái đức của người cầm bút. Mong mỏi của bạn đọc gần xa là những người làm báo hội đủ 3 yếu tố tâm, tầm và tài. Cái tâm chính là đạo đức nghề nghiệp. Người cầm bút mà cái tâm không trong sáng thì từ hành động, lời nói đến trang viết sẽ lệch lạc vì những mục đích cá nhân, bán rẻ nhân cách của mình. Nói về nghề làm báo, viết báo thì chữ Tâm có ý nghĩa rất quan trọng, đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hướng dẫn hành vi và quyết định của nhà báo để đạt đến chân, thiện, mỹ. Trong trận bút trường văn, nhà báo cũng có một số điểm tương tự như nhà văn về phương diện tác nghiệp, nên ngoài phần văn tài họ còn phải có văn tâm (cái tâm của văn), thiếu yếu tố sau này thì văn chương của họ dù hay ho đến đâu cũng không có hồn hướng rõ rệt, nếu không muốn nói vô ích, vì không phục vụ được cho cuộc nhân sinh ngày một thêm tốt đẹp, hài hòa.

 

Nhà báo BN trong 1 chuyến du lịch cùng gia đình vợ

Cái tâm của nhà báo mọi thời có thể hiểu bao gồm cả thiện tâm (lòng tốt), nhiệt tâm, công tâm, và nhất là hùng tâm, vì nếu thiếu hùng tâm thì nhà báo sẽ trở nên nhút nhát, cầu an, “rụt rè gà phải cáo”, không dám viết hoặc quyết định đăng những bài biết là có ích lợi cho công chúng nhưng lại sợ bị trù dập, thiệt thòi cho mình. Cái tâm của nhà báo cũng gắn liền với một số đức tính thuộc về luân lý chức nghiệp, nhờ đó mới có thái độ khách quan vô tư, can đảm bảo vệ sự thật đến cùng, không khuất phục trước uy vũ hoặc xu phụ cường quyền, hoặc thỏa hiệp và mị dân. Họ luôn yêu chuộng công bằng, dám chấp nhận lao tâm khổ trí và hi sinh, tránh được những điều trái ngược với đạo đức báo chí như khai thác những chuyện giựt gân để câu khách, phạm tội phỉ báng, mượn lý do “nghiên cứu-trao đổi”, “phản biện” dùng tư tưởng bảo thủ-giáo điều và lời lẽ xấc láo thiếu văn hóa phê bình theo kiểu vùi dập, chụp mũ chính trị đối với những người có “ý kiến khác”, hoặc xâm phạm đời tư của công dân, viết lăng nhăng tục tĩu, nói láo ăn tiền… Đất nước ta đang trên đường đổi mới, đời sống của người làm báo tuy có được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng cái tâm của họ vẫn luôn được đề cao, trong sáng. Có người cho rằng: Người làm báo chân chính thì không bao giờ giàu có, nhưng để kiếm tiền bằng những bài báo trái với lương tâm nghề nghiệp thì không khó. Chỉ cần bài viết của họ tung hô, thổi phồng thành tích cho doanh nghiệp này, bao biện, đánh lạc hướng dư luận để làm nhẹ tội cho cơ sở kia… là đã có tiền “bồi dưỡng” gấp cả chục lần tiền nhuận bút!!! Điều đó không thể được độc giả chấp nhận bởi làm báo là dùng ngòi bút của mình để góp phần đẩy lùi cái xấu, giúp cho cái tốt sẽ tốt hơn lên, góp phần làm cho xã hội công bằng hơn. Độc giả cần những thông tin trung thực, chứ không cần những thông tin sai lệch chỉ để kiếm tiền như vậy.

Nhiều doanh nghiệp “chết oan” bởi vì sự thiếu hiểu biết, non kém về nghiệp vụ của một số nhà báo. Có những chuyện chưa đâu vào đâu đã vội vàng đăng tin “giật gân” khiến dân chúng hiểu lầm kéo theo hệ lụy không nhỏ, thậm chí thiệt hại về kinh tế. (như việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi mới chỉ được phát hiện trong một số trang trại chăn nuôi ở mấy tỉnh thành phía nam, nhưng quá nhiều báo chí đưa tin mập mờ cùng một lúc dẫn đến dân hiểu lầm và tẩy chay với thịt lợn khiến nhiều người chăn nuôi đứng đắn bị điêu đứng, có khi sạt nghiệp… Làm nghề nào trong xã hội cũng cần phải có tâm với nghề. Nghề báo lại càng cần như vậy. Ngòi bút của nhà báo gắn liền với đạo đức nghề nghiệp, thể hiện đầy đủ khả năng đổi mới, tiếp cận và cập nhật đời sống của người làm báo. Đó chính là tính chiến đấu, hướng dẫn cổ vũ dư luận rộng rãi ủng hộ bảo vệ cái tích cực, đẩy lùi tiêu cực, góp phần đem lại công bằng cho xã hội. Để ngòi bút sắc bén được phát huy tốt, rất cần cái tâm của nhà báo. Đó là mong mỏi của độc giả chân chính và cũng là cái đích hướng tới của nhà báo hôm nay.

Previous post Founder 8X mạnh dạn từ bỏ vùng an toàn để khởi nghiệp theo ước mơ
Next post CKTC và thương hiệu: Chìa Khóa Thành Công – Cung Cấp dịch vụ kế toán, dịch vụ báo cáo thuế và dịch vụ thành lập công ty Chuyên Nghiệp- Uy Tín – Chất Lượng