Mới đây công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) công bố báo cáo kết quả thăm doanh nghiệp, cụ thể là tập đoàn Masan. Nội dung cuộc gặp này giữa VCSC và Masan xoay quanh chiến lược và kế hoạch triển khai hệ sinh thái tiêu dùng của tập đoàn này. Hệ sinh thái này hiện đang bao gồm các mảng kinh doanh sản phẩm tiêu dùng (hàng tiêu dùng nhanh – FMCG và thịt), bán lẻ nhu yếu phẩm, bán lẻ F&B (cà phê & trà thông qua chuỗi Phúc Long), viễn thông di động (thương hiệu Reddi), và các dịch vụ tài chính thông qua Techcombank.

Theo tiết lộ của VCSC, mô hình trung tâm thương mại mini (mini-mall) mới của WinCommerce (WCM) đã cho thấy sự vượt trội về lưu lượng khách đến cửa hàng cũng như doanh thu và lợi nhuận trên mỗi m2, khi tích hợp nhiều sản phẩm và dịch vụ thiết yếu tại một địa điểm. Cụ thể, các cửa hàng thử nghiệm ở TP. HCM, Hà Nội và các khu vực cấp 2 đã cho thấy lưu lượng khách hàng tăng trung bình 35% và doanh thu/m2 tăng 30% so với cửa hàng WinMart+ (siêu thị mini) tiêu chuẩn. Mô hình này sẽ được triển khai nhanh chóng trong tương lai khi Masan đặt mục tiêu có tổng số khoảng 1.000 cửa hàng mini-mall vào năm 2022.

Hiện tại mô hình mini-mall tích hợp WinMart+ (hàng nhu yếu phẩm), kiosk Phúc Long (cà phê và trà mang đi), nhà thuốc (hiện đang hợp tác với Phano Pharmacy – một chuỗi nhà thuốc lớn tại Việt Nam), điểm giao dịch Techcombank và kiosk Reddi trong một cửa hàng. Bằng cách tận dụng lưu lượng khách hàng lẫn nhau cũng như tối ưu hóa chi phí đầu tư và vận hành nhờ chia sẻ không gian bán hàng, 5 cửa hàng mini-mall đầu tiên (2 ở TP.HCM, 1 ở Hà Nội và 2 ở khu vực cấp 2) đã cho thấy khả năng sinh lời vượt trội so với mô hình cửa hàng WinMart+ tiêu chuẩn.

Lợi hại như Masan: Tích hợp Phúc Long, Phano Pharmacy, Techcombank, Reddi giúp doanh thu WinMart+ tăng 30% so với trước - Ảnh 1.

Previous post Dệt may Thành Công (TCM): Cổ phiếu liên tục giảm xuống 66.000 đồng/cp, tháng 8 bất ngờ báo lỗ hơn 6 tỷ đồng
Next post Đề xuất Vietnam Airlines được phát hành trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ kỳ hạn dài